Khi lựa chọn mua hàng trực tuyến (shopping online), bạn thường phải trang bị cho mình 1 số kinh nghiệm cơ bản để có thể đảm bảo mua được hàng hóa giá phải chăng, chất lượng tốt đáng tin cậy. Sau đây tôi xin chia sẻ một số kinh nghiệm về mua bán hàng trực tuyến
Tìm kiếm thông tin mặt hàng
Sau khi “điểm mặt” danh sách các mặt hàng cần mua, bước kế tiếp là tìm kiếm thông tin về chúng. Có khá nhiều cách để tìm thông tin mặt hàng như truy cập vào chính website của hãng sản xuất sản phẩm trong trường hợp bạn đã xác định thương hiệu của sản phẩm muốn mua. Tuy nhiên, cách này đôi khi mất nhiều thời gian “lục lọi” nếu hãng sản xuất đến từ nước ngoài và không có phiên bản tiếng Việt trên website. Bạn phải theo các danh mục sản phẩm tìm đến đúng mặt hàng hoặc gõ mã hàng (model) để tìm.
Cách thứ 2 đơn giản hơn là nhờ cậy đến công cụ tìm kiếm như Google hay Microsoft Bing. Cách này cho nhiều kết quả hơn nhưng bạn phải mất nhiều thời gian để chọn lọc những cửa hàng trực tuyến có đầy đủ thông tin về mặt hàng và quan trọng nhất là đảm bảo uy tín để đặt niềm tin. Vậy nếu không đủ kinh nghiệm để nhận ra đâu là trắng, đâu là đen thì bạn nên tham khảo tiếp các quy tắc “chọn mặt gửi vàng” để giúp việc mua hàng giá rẻ trở nên thuận lợi và ít rủi ro hơn.
“Chọn mặt gửi vàng”
Việc mua hàng trực tuyến mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng, chỉ cần vài cú click chuột là bạn có thể ngồi nhấm nháp cà phê và chờ mặt hàng được giao tận nhà. Tuy nhiên, thị trường mua bán trực tuyến cũng là nơi rất nguy hiểm cần đề cao cảnh giác. Không trực tiếp đe dọa đến bản thân người tiêu dùng nhưng những “bàn tay đen” của tin tặc hay những kẻ lừa đảo trực tuyến sẽ có thể làm “bốc hơi” vài chục triệu hay thậm chí vài trăm triệu đồng.
Để chọn đúng cửa hàng trực tuyến đáng tin cậy, điều đầu tiên cần làm là thực hiện một cuộc điều tra nho nhỏ về website của họ. Bạn chỉ việc gõ từ khóa là tên website dạng “vinazoom.com” hay “bestdeal.com” vào Google hay Bing rồi tìm thử xem trả về bao nhiêu kết quả. Trong danh sách kết quả trả về bao gồm những loại tin gì: giới thiệu về website, nhận định, bình luận, đánh giá, phê bình… Những thông tin này rất hữu ích để có cái nhìn tổng quát cơ bản về nơi mà bạn sắp đặt lệnh mua bán.
Ngoài yếu tố khảo sát mức độ phổ biến của cửa hàng trực tuyến, bạn cần phải chú ý thêm phần nội dung cơ bản cần có trên website thương mại điện tử bao gồm:
– Chính sách mua bán, quy định bảo hành có được hướng dẫn chi tiết hay không.
– Phương thức thanh toán: nhà cung cấp uy tín sẽ lựa chọn những phương thức có độ an toàn cao kèm theo những chính sách hoàn trả tiền mua hàng trong khoảng thời gian nhất định trong trường hợp hàng giao không đúng như giới thiệu.
– Thông tin về công ty, cửa hàng trực tuyến: cần có đầy đủ thông tin về nhà cung cấp như tên, địa chỉ, số điện thoại liên lạc hay ít nhất phải có email liên lạc trong trường hợp thắc mắc về sản phẩm.
– Thông tin sản phẩm: phần nội dung này sẽ hiển thị khi bạn xem chi tiết một sản phẩm, bao gồm chi tiết hình ảnh ở nhiều góc độ, các đặc tính về kỹ thuật chi tiết của sản phẩm, hướng dẫn cách sử dụng sản phẩm, chính sách vận chuyển và giao nhận cũng như thông tin bảo hành đều có ở phần giá cả, tiếp sau đó là phần đặc tính kỹ thuật và thông tin xuất xứ của sản phẩm.
“Hiện nay, trên thế giới khách hàng có thể sử dụng các hình thức thanh toán tạm giữ. Đây là 1 trong những cách thức bảo vệ quyền lợi của người mua bán hữu hiệu. Vì trong trường hợp các giao dịch không thành công, hoặc bạn phát hiện ra hành vi lừa đảo của người bán, bạn có thể refund để lấy lại số tiền mà mình đã trả. Tại Việt Nam đã xuất hiện công cụ thanh toán trực tuyến Ngân Lượng – có mô hình tương tự như Paypal, được phát triển bởi liên danh Chợ Điện tử – ebay. Theo tôi đánh giá, Ngân Lượng là một công cụ thanh toán tốt, an toàn và tiện dụng. các website thương mại điện tử nếu sử dụng cổng thanh toán này, có thể bảo đảm hơn về uy tín đối với khách hàng khi mua hàng.”-Trần Quang – kỹ thuật viên Vinazoom