Đáp ứng nhu cầu của cộng đồng người dùng, các nhà đăng ký đã nhanh chóng triển khai và cấp phát rộng rãi những tên miền cấp 3., có đuôi “.vn” mới. Đây là việc làm không những tăng thêm sự lựa chọn cho doanh nghiệp mà còn là một giải pháp khá ưu việt cho những doanh nghiệp đi sau trong việc đăng ký thương hiệu của mình trên môi trường internet.
Ông Hà Tuấn Anh, Giám đốc – VINALINK cho rằng: “Ở Việt Nam tên miền cấp 3. Jsc.vn và .shop.vn… rất có tác dụng với một số doanh nghiệp ra đời muộn, không đăng ký được những tên miền cấp 2 với những đơn vị trùng tên, trùng thương hiệu… Hơn nữa, nhiều công ty có tên miền rồi người ta vẫn cần thêm những sự lựa chọn khác để tránh được những trục trặc hoặc những rắc rối không đáng có có thể xảy ra. Lý do thứ 3 là tên miền ấy nó chi tiết hóa lĩnh vực hoạt động công ty, như đó là công ty cổ phần, shop thời trang hay là các câu lạc bộ…”.
Bắt kịp với tiến trình phát triển của internet, nhiều nhà cung cấp tên miền trên thế giới đã cho ra mắt hàng loạt những tên miền đa dạng, mang đến nhiều sự lựa chọn cho các doanh nghiệp, tổ chức… Tại Việt Nam, mới đây, KCC Internet là nhà đăng ký tên miền “.VN” tại Việt Nam cũng đã được VNNIC cho phép triển khai thử nghiệm cấp phát rộng rãi tới cộng đồng người sử dụng tên miền cấp 3 “.VN” mới với 5 đuôi tên miền: .con.vn, .club.vn, .jsc.vn, .ltd.vn và .shop.vn…
Ông Nguyễn Tấn Hiệp, Giám đốc KCC cho rằng: “Tên miền .com.vn hoặc tên miền .com chỉ có hữu hạn sự lựa chọn. Trong khi đó một công ty ABC chẳng hạn có thể đăng ký là Công ty TNHH ABC hoặc Công ty TNHH Thương mại ABC hoặc Công ty CP ABC… nên với sự lựa chọn hữu hạn họ không đăng ký được tên miền sát nghĩa với họ. Việc ra đời của tên miền cấp 3.vn mới sẽ mở ra thêm những sự lựa chọn cho khách hàng”.
Nếu như tên miền có đuôi .jsc.vn được coi là sự lựa chọn khá lý tưởng cho các công ty cổ phần thì các tên miền có đuôi .club.vn lại giúp người truy cập hiểu ngay đó là trang web của một câu lạc bộ… Các tên miền cấp 3 “.VN” mới, do đó sẽ là sự lựa chọn tốt cho thương hiệu của doanh nghiệp trên những vùng đất chật hẹp của .com, .net hay thậm chí là các tên miền “.VN”. Theo ông Nguyễn Tấn Hiệp: “Với một công ty cổ phần thì tên miền có đuôi jsc.vn sẽ sát nghĩa nhất. Hay các câu lạc bộ họ muốn làm website thì họ không thể đăng ký tên miền .com được mà nên chọn đuôi .club.vn…”.
Khởi động từ cuối tháng 4 và chính thức được cấp phát rộng rãi từ đầu tháng 9 năm nay, tuy nhiên cộng đồng người dùng vẫn chưa thực sự mặn mà với loại hình tên miền mới này. Thói quen chuộng những tên miền kiểu truyền thống được coi là một lý do, bên cạnh đó, tính pháp lý và khả năng bảo vệ mình trước những tranh chấp nếu chẳng may phát sinh cũng là một vấn đề được các doanh nghiệp và đông đảo khách hàng quan tâm. Là một nhà đăng ký, ông Nguyễn Tấn Hiệp cũng thừa nhận rằng: “Khó khăn lớn nhất hiện nay và cũng là vấn đề khách hàng lưu tâm nhất là tính chủ sở hữu và pháp lý. Chúng tôi khẳng định là đã được VNNIC cấp phép; tính chủ sở hữu được VNIC đảm bảo và tất cả những tên miền này về mặt pháp lý hoàn toàn giống như tên miền .vn truyền thống”.
(theo VTV)
Theo Trần Quang – nhân viên kỹ thuật của VINAZOOM cho biết: “Ngoài những tiện ích đã nêu trên bài viết, việc cấp phát tên miên cấp 3 đôi khi cũng gây ra nhiều sự nhầm lẫn. Vì với hệ thống tên miền quốc tế có dạng yourdomain.com (net, org, info v…v) thì các tên miền dạng có 2 dấu chấm nhưabc.yourdomain.com được hiểu là dạng sub-domain của tên miền chính. Ví dụ: http://vinazoom.com có sub-domain là http://thanhtoan.vinazoom.com. Với cách sử dụng phổ biến như vậy, người dùng internet thường có khái niệm sub-domain là 1 trang con, trực thuộc domain chính.
Trong trường hợp với các tên miền Việt Nam, tôi nhận thấy 1 số tên miền cấp 1 được cấp phép như com.vn, edu.vn, shop.vn, pro.vn v..v một số đã được cấp phát trước đây cho các công ty, tổ chức khác nhau (tuy hiện tại VNNIC đã có thông báo thu hồi lại 1 số tên miền này). Như vậy nếu hiểu theo các thông thường, thì domain cấp 3 dạng như thế, cũng tương tự như sub-domain. Và như vậy, domain cấp 3 không còn nhiều giá trị lắm.
Cũng theo tôi, hiện nay phí đăng kí và duy trì tên miền Việt Nam hiện khá cao (gấp từ 5 đến 10 lần so với các loại tên miền quốc gia khác) bao gồm phí khởi tạo là 350.000VND và duy trì hàng năm là 600.000VND. Phí cho mỗi lần chuyển đổi DNS là 180.000VND (bằng cả tiền duy trì 1 năm tên miền .com) là quá cao, trong khi hầu hết các tên miền khác thì việc này là miễn phí. Và hiện tại thì tên miền .VN cũng không bị cấm chuyển đổi sở hữu. Như vậy vô hình chung khách hàng muốn sử dụng tên miền .VN đang phải chịu chi phí khá bất hợp lý. Vấn đề này cũng tương tự như việc khoảng5-10 năm trước đây người tiêu dùng Việt Nam phải chịu mức cước phí của điện thoại di động ở mức “cắt cổ”. Hy vọng sẽ có nhiều thay đổi trong thời gian gần đây. Để người dùng Việt Nam có thêm cơ hội có các website có dấu ấn của dân tộc mình.”